Tư duy mới

Luyện não 6 múi – Nhân tố quyết định sự thành công và hạnh phúc

Ngày đăng:06/10/2022
Nguồn tin: clb100
Cập nhật3059
0
Thử hỏi, các bạn bị thu hút bởi một chàng trai/cô gái vì họ có một thân hình 6 múi hay một cái não 6 múi? Mình đặt vấn đề có vẻ khá buồn cười nhưng mình nghĩ đây là một câu hỏi rất thiết thực hiện nay.
Những câu ngôn tình như “tiếng sét ái tình” hay “yêu từ cái nhìn đầu tiên”, đã đủ để nói lên rằng, một gương mặt khả ái cùng vóc dáng thon gọn (nữ) hay gương mặt góc cạnh cùng body 6 múi (nam) là điểm thu hút khiến đối phương muốn lại gần và tìm hiểu mình. Đúng vậy, giữa 2 cô bạn đi cùng nhau, sẽ chẳng ai lại đi xin số điện thoại của cô bạn trông có vẻ xấu hơn cả. Chỉ có vẻ đẹp bên ngoài mới thu hút được sự chú ý.
 
Nhưng đâu là yếu tố để duy trì một mối quan hệ bền lâu và hạnh phúc. Trong một cuộc cãi vả, không nhờ bạn có gương mặt xinh đẹp mà anh ấy nhường nhịn bạn; không nhờ bạn có thân hình thon gọn mà anh ấy phụ giúp bạn trong công việc nhà; không nhờ bạn là hoa khôi, hoa hậu mà cuộc sống hôn nhân, cuộc sống xã hội bạn được hạnh phúc. Mình nghĩ yếu tố để duy trì một mối quan hệ bền lâu và hạnh phúc là nhờ vào vẻ đẹp trong tâm hồn bạn, sự khéo léo thông minh trong việc bạn xử lý tình huống, sự giỏi giang trong khi bạn giải quyết công việc....
 
Cũng giống như mối quan hệ bạn trai bạn gái, mối quan hệ gia đình; trong mối quan hệ cơ quan, xã hội, cộng đồng cũng như thế, chỉ khi bạn thông mình, khoé léo, hiểu biết và tài giỏi thì bạn mới được trọng dụng, đề cao và thăng tiến. Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi trên thì đáp án sẽ là body 6 múi giúp bạn được thu hút nhưng cái não 6 múi mới là nhân tố quyết định sự bền lâu và hạnh phúc

Như vậy bạn lựa chọn việc tập luyện để cơ thể thành 6 múi hay rèn luyện cái não 6 múi?
Não 6 múi được coi là biểu tượng của sự thông minh, nhạy bén và là thước đo của sự thành công. Ngoại trừ bạn sinh ra đã ban cho bạn thông minh bẩm sinh trời phú thì hầu hết chúng ta đều phải trau dồi, rèn luyện và học hỏi,..liên tục mới có được não 6 múi. Có được não 6 múi chính là bạn đang đi “lối tắt” để nhanh hơn trong một cuộc đua nào đó. Vậy làm sao để rèn luyên não 6 múi?
CODE - Thuật ngữ đã không thể quen thuộc hơn của các anh IT - Code được hiểu trong tin học là một dãy các câu lệnh được viết bằng một ngôn ngữ lập trình. Tuy nhiên, CODE trong bài viết này được xem như một công thức đánh giá bạn đã có não 6 múi hay chưa? Não bạn đạt được 6 múi khi bản thân bạn hoàn thiện 4 kỹ năng sau đây (hay công thức CODE được hiểu như sau):
C - Communication: Giao tiếp
O - Observations: Quan sát
D - Dedication: sự tận hiến, tận tâm
E - Emotion: cảm xúc

 
1. Communication: Giao tiếp
Ở đâu có sự hiện hữu của chúng ta thì ở đấy có sự giao tiếp giữa con người với chúng ta, ăn nói là cơ chế bên trong của sự tồn tại và phát triển. Vì vậy, yếu tố đầu tiên cần cho việc rèn luyện não 6 múi là xây dựng kỹ năng giao tiếp tốt.
 
Đây là một trong những kỹ năng mềm được đánh giá cao tại nơi làm việc cũng như không thể thiếu trong việc duy trì cuộc sống gia đình hạnh phúc lâu dài. Khi khả năng giao tiếp được cải thiện thì nhiều mặt của cuộc sống sẽ nhận được những tác động tích cực. Hạnh phúc, sự tự tin và sự thành công của các mối quan hệ xã hội đều tăng lên.
 
Trong công việc, giao tiếp tốt là đòn bẩy đưa bạn đến gần hơn với thành công. Giữa 2 người đồng nghiệp với nhau cùng suy nghĩ để đưa ra một cách giải quyết cho một vấn đề, tất nhiên cả 2 sẽ có những cách giải quyết khác nhau, không biết cụ thể đó là gì nhưng cả 2 cách giải quyết đều tối ưu. Vậy ban lãnh đạo sẽ lựa chọn anh thứ nhất hay anh thứ hai? Đáp án sẽ là ai có khả năng ăn nói, thuyết trình tốt hơn sẽ là người thành công. Ngoài ra, trong xây dựng đội nhóm, kỹ năng giao tiếp làm giảm những xung đột, cãi nhau, góp phần thúc đẩy teamwork tốt hơn.
 
Kỹ năng trò chuyện được cải thiện sẽ tăng khả năng gặp gỡ và kết bạn. Giao tiếp hiệu quả giúp một cá nhân tự tin hơn, thể hiện cá tính và khả năng thu hút đám đông - khả năng kết nối. Đây cũng là những tiến bộ trong quá trình phát triển bản thân. Thực tế đã chứng minh, người có khả năng kết nối là người sẽ gặt hái được thành công trong thị trường việc làm cạnh tranh, cường độ cao.
 
Trong đời sống hôn nhân, gia đình. Giao tiếp với nhau không chỉ gắn kết vợ chồng, mà còn giúp cả hai hiểu nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn. Một ngày vợ chồng bạn phải ở xa nhau ít nhất cũng tám giờ do công việc làm ăn, có biết bao chuyện xảy ra xung quanh cả hai người. Do đó, rất cần kể cho nhau nghe mọi chuyện, chia sẻ với nhau những gì xảy ra trong ngày. Vậy hãy tăng cường “đường dây đối thoại” giữa vợ chồng với nhau, thân thương và liên tục, làm sao để mỗi người đều cảm thấy hạnh phúc và ấm lòng khi hai người có cơ hội ở gần bên nhau.
 
Giao tiếp rất quan trong trong cuộc sống này. Tuy nhiên, các bạn đừng hiểu nhầm là giao tiếp chỉ thông qua lời ăn tiếng nói, mà còn được thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, chữ viết, ám hiệu, sự lắng nghe...Vì vậy, mỗi cái nhấc tay, mỗi cái nhìn, mỗi nụ cười,... đều là thông điệp bạn đưa ra và sẽ ảnh hưởng đến người xung quanh. Đức Phật nói: “Bất cứ từ nào chúng ta thốt ra nên được lựa chọn cẩn thận vì mọi người sẽ nghe bị ảnh hưởng bởi những điều tốt hay xấu từ những lời đó.”
 
Thêm nữa là sự chân thành. Có thể bạn ăn nói không giỏi nhưng sự thành thật của bạn cũng là yếu tố tạo nên sự thiện cảm và tin tưởng cho người đối diện. Bạn không thường xuyên nói nhiều, nhưng bạn biết lắng nghe. Malcom Forbes nói rằng: Nghệ thuật trò chuyện nằm trong lắng nghe. Bạn chân thành lắng nghe câu chuyện của họ, cố gắng đặt mình ở vị trí người đó, hỏi họ cảm thấy thế nào về tình huống này, kết nối cảm xúc với họ bằng lời nói và nét mặt. Sử dụng từ ngữ và ngôn ngữ cơ thể của bạn để thể hiện rằng “Tôi hiểu, tôi quan tâm, bạn có thể nói chuyện cởi mở” - đó cũng là cách để giao tiếp tốt.
 
Một người không được sinh ra cùng với kỹ năng giao tiếp tốt mà cần phải luyện tập để đạt được. Tất cả chúng ta sẽ học cách giao tiếp từ gia đình, bạn bè, giáo viên, đồng nghiệp,…Về bản chất, tất cả những thói quen giao tiếp dù tốt hay xấu mà chúng ta có được đều bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh (và cả chính chúng ta). Tuy nhiên, người giao tiếp tốt là người luôn học hỏi và thực hành những thói quen tốt và những kỹ năng mới. Vì vậy, để trở thành người giao tiếp tốt, chúng ta chỉ cần một chút nỗ lực mỗi ngày.
 
2. Observations: Quan sát
Quan sát không giống như nhìn thấy vì bạn nhìn thấy một thứ gì thì đó là thụ động, ngẫu nhiên; quan sát thì lại khác vì đó là một quá trình mà bạn chú ý theo dõi để bạn có thể thu thập thông tin chi tiết để đánh giá.
 
Kỹ năng quan sát giúp bạn phát triển, nâng cao trình độ, kiến thức, cải thiện hiệu suất công việc bằng cách quan sát, ghi nhớ, học hỏi. Có người từng nói thế này: Bậc thang quan trọng để rút ngắn điểm đến thành công cần chính là kỹ năng quan sát, lập luận trước khi giải quyết mọi vấn đề. Đúng vậy, chưa chắc có trình độ, bỏ tâm huyết và đam mê vào công việc thì bạn sẽ thành công, mà nó cần xuất hiện của rất nhiều yếu tố khác, điển hình chính là sự quan sát. Quan sát ở đây là sự nhìn nhận kỹ càng, nhìn để phân tích rồi có thể đưa ra được nhận xét và đánh giá đúng đắn nhất về sự vật, hiện tượng hoặc là một người nào đó.
 
Kỹ năng quan sát giúp tinh tế hơn trong giao tiếp. Thông qua việc quan sát ánh mắt, nét mặt của đối phương mà chúng ta có thể phần nào đoán được suy nghĩ của họ, từ đó sẽ có cách giao tiếp, đối xử phù hợp hơn. Điều này thể hiện rất thành công trong việc thuyết phục khách hàng. Nếu thấy khách tỏ vẻ thích thú thì việc tiếp tục thuyết phục sẽ rất dễ thành công. Trong khi đó, nếu thấy khách tỏ vẻ không thích, muốn đi chỗ khác thì nên biết dừng lại. Việc tiếp tục nói sẽ không hiệu quả, thậm chí còn có thể bị khách hàng đánh giá, phàn nàn. Hoặc khi bạn thấy khách hàng nhìn ngắm sản phẩm, tỏ vẻ phân vân không biết có nên mua hay không. Lúc này, nếu biết quan sát, bạn có thể ra hỗ trợ tư vấn thêm cho khách hàng. Khách hàng sẽ dễ dàng ra quyết định và sẽ đánh giá cao về chất lượng phục vụ.
 
Quan sát giúp chúng ta sửa sai kịp thời và rút kinh nghiệm. Trong cuộc sống, không phải ai cũng sẳn sàng chỉ ra điểm sai cho chúng ta và trong công việc cũng không qúa tốt khi để sếp chỉ thẳng lỗi của chúng ta. Tốt hơn hết là tự bản thân mình nhận ra điều đó và học cách khắc phục.  Khi đó,  rất cần vào kỹ năng quan sát.
 
Đừng nghĩ chỉ có nghề thám tử như Sherlock Holmes hay Shinichi/ Conan mới cần có tài nhìn thấu sự vật, việc sở hữu óc quan sát nhạy bén cũng sẽ giúp ích cho bạn trong bất kỳ nghề nghiệp gì. Vì thế, QUAN SÁT mới là điều kiện cần cho một bộ não 6 múi.
 
3. Dedication: sự tận hiến, tận tâm
Đừng lo phải làm giàu thế nào, thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm.
Không cần phải định nghĩa thì chúng ta cũng hiểu tận tâm, tận hiến là như thế nào và kết quả tuyệt vời của nó mang lại rồi, đúng không?
Tận: tận cùng, hết mức có thể
Tâm: tâm huyết, là tấm lòng
Tận tâm là dốc hết sức, hết lòng để làm một công việc nào đó đạt đến kết quả cuối cùng. Cố gắng hết khả năng, hết trách nhiệm. Tận tậm là biết thực hiện tất cả các công việc, từ to đến nhỏ bằng tất cả sức lực, tâm huyết, tôn trọng công việc, luôn làm việc đến kết quả cuối cùng, thành hoặc bại và dám chịu trách nhiệm. Người như vậy là tận tâm.
 
Thay vì bạn tốn thời gian để lo lắng và suy nghĩ phải làm giàu như thế nào.. vậy tại sao không tận dụng chính thời gian đó để bạn tập trung vào công việc của mình. Bằng cách này hay cách khác hãy làm hết sức - làm hết trách nhiệm của bản thân rồi thành công sẽ sớm mỉm cười với bạn.
 
Mọi người đều phải có trách nhiệm với công việc, với gia đình, người thân và bạn bè mình. Công việc tức là trách nhiệm. Mỗi nhiệm vụ bạn được giao là một phần trách nhiệm. Khi bạn làm việc tức là bạn đã chịu trách nhiệm về công việc đó, vì vậy hãy có trách nhiệm với những công việc bạn đang gánh vác, cách đơn giản nhất, là bắt đầu chúng bằng sự tận tâm.

{Và một điều nữa đó là, thời điểm bạn đẹp trai, đẹp gái nhất là tập trung vào làm việc, đó là lúc bạn sexy nhất. Điều này mình nghe từ các bạn mình nói, không biết có nhiều người nghĩ như vậy không? hí hí^_^}
 
4. Emotion: cảm xúc
Cảm xúc đóng một vai trò quan trọng quyết định cách chúng ta tư duy và hành xử. Những cảm xúc chúng ta trải qua khiến ta hành động và tác động đến các quyết định lớn nhỏ trong cuộc sống.
 
Và yếu tố quyết định đến sự thành công của chúng ta là kỹ năng quản lý tốt cảm xúc.
Kỹ năng quản lý cảm xúc là khả năng kiểm soát cảm xúc của con người, giúp họ làm chủ những cảm xúc cá nhân trong mọi tình huống giao tiếp. Cho dù trong hoàn cảnh tệ hại thế nào đi nữa họ vẫn có thể tự chủ được.
 
Quản lý tốt cảm xúc thúc đẩy ta hành động đúng. Khi phải đối mặt với một kỳ thi cân não, bạn có thể cảm thấy cực lo lắng, không biết mình có làm bài tốt không và điểm thi lần này ảnh hưởng thế nào đến kết quả cuối kỳ. Nhờ những phản ứng cảm xúc này, bạn có thể sẽ học hành chăm chỉ hơn. Nói cách khác, bạn sẽ có động lực để hành động và hành động một cách tích cực để cải thiện kết quả thi.
 
Quản lý cảm xúc không đồng nghĩa với việc bạn loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc của mình, hoặc là khống chế hay kìm hãm nó. Quản lý cảm xúc ở đây được hiểu là bạn hiểu rõ cảm xúc của chính mình và người đang giao tiếp với bạn. Qua đó bạn có thể điều chỉnh cảm xúc một cách phù hợp, hài hòa. Những người có trí tuệ cảm xúc cao thường hiểu rõ cảm giác của người khác và họ biết cách tác động lên cảm xúc của người còn lại.
 
Bạn đã làm tốt bao nhiêu điều trong công thức CODE? Nếu bạn đạt đủ tiêu chuẩn cả 4 kỹ năng trên thì mình tin chắc rằng bạn đã là người thành công. Nhưng cũng đừng lo lắng khi một ai đó chưa hoàn thiện bản thân mình, chỉ cần các bạn “giác ngộ”, nhận thức được ảnh hưởng của não 6 múi đến sự thành công thì việc hành động là không quá muộn. Chỉ sợ con người CỐ CHẤP, chứ không sợ người hành động muộn.
 
Chia sẻ bài viết

Tin liên quan

Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng