Giáo sư Ohsawa không được một ông thầy nào còn sống truyền dạy cho triết lý Cực Đông cả, trừ mẹ ông là người đã hướng dẫn ông cho đến năm 10 tuổi. Nay, những người được xem là thầy của Ohsawa: các bậc đại hiền triết Cực Đông thời xa xưa như Lão Tử, Phục Hy, Phật Thích-ca; các nhà hiền triết Nhật Bản thời trung cổ như Shinran, Nitiren, người sáng lập Nhân Tướng Học Nhật Bản hiện đại Mizuno Namboku ở thế kỷ 18 và sau cùng là người sáng lập phương pháp Trường sinh hoá học - Bác sĩ Ishizuka Sagen nổi tiếng là một người kỳ lạ ở Đông Kinh (Tokyo) vào cuối thế kỷ 19. Đó là lý do tại sao chúng ta thường thấy Ohsawa tuyên dương những nhân vật này trong các tác phẩm của mình, luôn luôn kèm theo rất nhiều ý nghĩa. Thật bổ ích và thú vị khi được biết nhiều về các nhân vật đó cùng những lời bày dạy của họ, vì từ đó chúng ta sẽ có nhận thức sâu xa hơn về Vô Song Nguyên lý của giáo sư Ohsawa với 7 nguyên lý và 12 định lý của trật tự vũ trụ, thường được nêu ra trong các sách báo về Thực dưỡng mà chúng tôi đã cho xuất bản trong nhiều năm qua. Vì lợi ích đó, lần này chúng tôi chọn môn Nhân Tướng Học Nhật Bản của Mizuno Namboku, một môn học đã gây nên sự chú ý đặc biệt đối với các sinh viên về Vô Song Nguyên Lý cũng như các bạn đang thực hành phương pháp “Gạo lứt muối mè”.
Nhân Tướng Học Nhật Bản chắc chắn bắt nguồn từ Y học Trung Hoa, nhưng nền Y học này chỉ là một ngành đặc biệt áp dụng Kinh Dịch – một cuốn sách ra đời hàng 4000 năm do Phục Hy sáng tác. Hiện nay Kinh Dịch được lĩnh hội thông qua Nguyên Lý Vô Song của nền Triết lý Cực Đông của chúng ta. Do đó giữa Nhân Tướng Học và phương pháp Thực dưỡng(Macrobiotics) hiển nhiên có mối tương quan mật thiết. Chúng ta không bao giờ quên được Ohsawa tiên sinh là một nhà Nhân Tướng Học đại tài, đã đọc được các dấu hiệu trên gương mặt một cách chính xác và có thể chỉ dẫn đúng đắn cho người ta nên ăn uống những thức gì để cải đổi số mệnh xấu xa hoặc chữa trị bệnh tật. Giáo sư Ohsawa đã nhìn thấy trên gương mặt những gì người ta đã ăn uống cũng như lối chữa bệnh nổi tiếng của bác sĩ Ishizuka Sagen tương tự phương pháp của Ohsawa.
Chúng ta bắt đầu bằng tiểu sử của tiên sinh Mizuno Namboku để hiểu được toàn thể nguyên lý của Nhân Tướng Học Nhật Bản hiện đại.
Nếu Ohsawa tiên sinh tìm ra một phương pháp cải tạo sức khoẻ - phương pháp Trường sinh, biến đổi bệnh tật và liệt nhược của mình thành ra khoẻ mạnh, không biết mỏi mệt; thì Namboku lại tìm ra Nhân Tướng Học biến đổi vận mệnh bi thảm của mình thành ra tốt đẹp, hạnh phúc. Mọi vĩ nhân đều biến đổi từ âm ra Dương.
Cần phải nghe theo người đã đạt được hạnh phúc dù trước đó rất xấu xa. Cần phải nghe theo người có được sức khoẻ sau một thời gian khốn khổ dai dẳng. Cần phải nghe theo người đã uống nước nhiều nhưng đã ngừng uống. Thật có giá trị khi nói: “Tôi nguyên là một người béo mập nhưng nhờ phương pháp Ohsawa tôi đã trở nên mảnh mai”.
Chính người đã biến đổi đời sống của mình thành ra thánh thiện và sung sướng hơn nhờ Vô Song Nguyên Lý là người cần phải nghe theo. Nhưng nếu như người đó đã sung sướng và thánh thiện trước khi thực hành phương pháp Trường sinh, thì anh ta sẽ không gặp phương pháp này và những gì anh ta kể lại đều kém giá trị. Phương pháp Thực dưỡng Ohsawa chỉ dành cho những người muốn biến đổi sức khoẻ và số mệnh của mình. Trong ý nghĩa đó, kẻ sung sướng là kẻ đang đau yếu và bất hạnh. Chúng ta hãy nhìn lại tấm gương thú vị của những người đã biến đổi đời sống của mình, đặc biệt những người biến đổi được đời sống của mình thông qua thức ăn hàng ngày, đúng như lời của ông bà mình đã dạy trong nền minh triết dân gian: học ăn, học nói, học gói, học mở; học ăn được xếp hàng đầu. Nhờ vào sự tổng kết minh triết này ta lại càng thấy được giá trị nền tảng của đạo đức tâm linh nhân loại bắt đầu từ chỗ nào trong cuộc sống con người.
Đã có một lối học mới cho chúng ta, sự giáo dục cũ - giáo dục phổ quát của hành tinh này dường như không làm tăng trưởng tính thiện, mà thay vì thế chỉ làm tăng tính nôn nóng và không thoả mãn. Chúng ta đã quá chú trọng những giá trị về khoa học và kỹ thuật và đã lộ ra nguy cơ đánh mất cơ hội tiếp xúc với những khía cạnh sâu kín của bản tâm con người làm phát sinh tính chân thực và lòng vị tha. Khoa học - kỹ thuật đã đem lại cho con người nhiều thoải mái tiện nghi, nhưng dù thế thì cũng không thể thay thế giá trị tinh thần truyền thống và giá trị nhân văn. Sự phát triển rầm rộ của khoa học - kỹ thuật đem lại sự hữu dụng và màu sắc tươi tắn cho tiện nghi vật chất nhưng trên từng gương mặt của những con người hiện đại vẫn lộ ra sự căng thẳng, nỗi khổ, sự sợ hãi...
Cần có một nền giáo dục mới để thiết lập sự quân bình giữa sự phát triển vật chất và sự phát triển tâm linh và giá trị nhân bản. Trong khi chúng ta tự hỏi phải bắt đầu từ đâu thì những bậc thánh hiền từ xưa và ông bà mình vốn từ lâu đã dạy bảo chúng ta về những điều căn bản này. Ngày nay chúng ta đem ra áp dụng trong đời sống ngõ hầu làm thánh hoá đời sống của chính chúng ta. Chúng tôi đã cố gắng phấn đấu và nỗ lực không ngừng để tìm thấy nguồn gốc tinh hoa nhân bản của toàn nhân loại đem ra cống hiến cho các bạn.
Giáo dục con người thông qua thức ăn đã và sẽ là con đường và mục đích của hệ thống giáo dục toàn cầu | bắt đầu từ nền minh triết cổ đại của người Việt cổ- học ăn được soi sáng bởi pháp Thiền nguyên thuỷ (Vipassana - Minh sát tuệ) của Đức Phật, vì chính điều này đã được ghi lại trong kinh điển nguyên thuỷ của Phật giáo.
Quyển sách gồm hai phần: phần đầu là nguyên văn những gì mà nhà Nhân tướng học nổi tiếng nhất Nhật | Bản ghi lại, phần hai gồm những sưu tập về ăn uống có liên quan mật thiết đối với số phận của con người theo ý kiến của tiên sinh Ohsawa, theo truyền thống của Phật giáo nguyên thuỷ, đại thừa và các truyền thống khác.
Chúng tôi rất biết ơn ông Ngô Ánh Tuyết và ông Lương Trùng Hưng - là những bậc thầy về Thực dưỡng đã thường xuyên khích lệ động viên, quyển sách do duyên lành mà thành tựu, chúng tôi rất biết ơn hai người bạn Thực dưỡngNguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Trường Thư và ông Chu Diễn đã cùng tham gia dịch thuật. Trong khi chuyển ngữ chắc còn thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý của độc giả và các bậc tiền bối. Tôi thực hiện nó trong sự biết ơn và niềm vui sống. Xin chia sẻ với tất cả.
Phạm Thị Ngọc Trâm