Chăm sóc sức khỏe

Sự thay đổi của mẹ bầu trong ba tháng đầu thai kỳ và những điều không thể bỏ qua

Ngày đăng:27/04/2023
Nguồn tin: clb100
Cập nhật1082
0
“Được làm mẹ là điều vô cùng thiêng liêng của mỗi người phụ nữ. Thế nhưng bên cạnh niềm hạnh phúc lớn lao khi biết tin mình có thai còn mang theo bao lo lắng cho những giai đoạn phát triển sắp tới của thai nhi, mà nhất là trong 3 tháng đầu mang thai. Thời gian mang thai gần 10 tháng của mỗi bà mẹ, trải qua 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn trung bình là 3 tháng (12 tuần) và 3 tháng đầu tiên của thai kỳ được xem là quan trọng nhất, ảnh hưởng rất lớn đến những giai đoạn phát triển thai nhi về sau đến khi ra đời. Vậy ở 3 tháng đầu bà bầu cần chú ý những gì?”

1. Cơ thể người mẹ sẽ thay đổi như thế nào khi mang thai 3 tháng đầu?
Cơ thể người mẹ bầu 3 tháng đầu thường sẽ có những biểu hiện như: cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, luôn cảm thấy đói và thèm ăn những món ăn mà trước đó bạn không thích và cũng rất có thể bạn thờ ơ và ghét những món ăn trước khi mang thai bạn vô cùng thích. Mẹ bầu sẽ dễ dị ứng với mùi và có cảm giác buồn nôn, hay đau đầu, chóng mặt và thường xuyên buồn đi tiểu.
Đây là những biểu hiện hết sức bình thường và phổ biến đối với bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ. Do lúc này cơ thể người mẹ sản sinh ra nhiều máu hơn để cung cấp cho thai nhi, sự tăng hormone và kích thước tử cung cũng tăng lên.

2. Tâm lý phụ nữ mang thai trong quý I thai kỳ – 3 tháng đầu
Giai đoạn mẹ bầu dễ xúc động, vui buồn bất chợt
Giai đoạn đầu mang thai có thể thuận buồm xuôi gió đối với nhiều phụ nữ, nhưng cũng có rất nhiều bà mẹ cảm thấy tâm trạng mình khá “bấp bênh” (đặc biệt là các bà mẹ mang thai lần đầu). Các mẹ thường lo lắng nhất là trong giai đoạn đầu mang thai. Nếu như bạn cũng cảm thấy mình trở nên dễ xúc động hơn, vui buồn bất chợt, hãy yên tâm, đây là hết sức bình thường của tất cả các bà mẹ khi mang thai, bạn đừng nên quá lo lắng.

Các mẹ bầu có thể trải qua một hoặc nhiều trong số những cảm giác sau đây:
- Hứng thú, ngạc nhiên với mọi thứ nhưng đồng thời cũng lo lắng và bối rối.
- Thay đổi tính tình thất thường và bất chợt.
- Nghi ngờ khả năng làm mẹ của mình sau khi em bé sinh ra đời.
- Hứng khởi, có cảm giác muốn cho cả thế giới biết được bạn đang mang thai
- Mẹ sẽ cảm thấy yêu ông xã/chồng mình vô cùng, nhưng rồi sau đó lại thơ ơ, bỏ mặc.
- Cảm thấy tiếc nuối khi phải chia tay “thời con gái”, phải hy sinh sự nghiệp hoặc từ bỏ những bữa tiệc vui vẻ, lo lắng đến ngoại hình sau khi sinh…
- Trở nên nhạy cảm hơn, có thể dễ dàng khóc khi coi một bộ phim buồn, hay nhìn thấy ảnh của em bé.

Trong giai đoạn đầu thai kỳ, mẹ bầu sẽ cảm giác cơ thể có nhiều thay đổi vì có một sinh linh đang lớn dần trong bụng, có nhiều suy nghĩ mà mẹ bầu chưa từng nghĩ tới, hay thậm chí mơ về ngày bạn sinh con, con bạn trông như thế nào v.v Tính tình của mẹ khi mang thai cũng thay đổi chóng vánh, nắng mưa thất thường, dễ buồn, dễ cảm. Đây là những dấu hiệu bình thường trong thời kỳ này và mẹ nên yên tâm vì đây chỉ là những thay đổi nội tiết tố trong thời gian có thai.

3. Những thay đổi nội tiết tố:
HCG (Human Chorionic Gonadotrophin)
Trong 3 tháng đầu của giai đoạn thai kỳ, Khi mẹ mang thai, nồng độ HCG sẽ tăng lên nhanh chóng, tăng gấp đôi sau mỗi vài ngày trước khi đạt đến đỉnh điểm trong 8 đến 11 tuần đầu tiên. Hormone này rất quan trọng vì mức độ cao của nó cho thấy nhau thai đang được tạo ra. Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân chính làm khứu giác nhạy bén hơn và gây cảm giác buồn nôn

Estrogen
Loại hormone này có vai trò định hình và phát triển các đặc điểm giới tính của bào thai sau này ví dụ như độ mịn của da, giọng nói, dáng vóc, tóc, lông …. Khi mang thai, cơ thể mẹ tiết ra rất nhiều hormone này, nó thúc đẩy sự phát dục của các cơ quan sinh dục ở phụ nữ. Chính vì vậy, trong giai đoạn 3 tháng đầu này, mẹ thường có xu hướng ham muốn quan hệ rất cao. Ngoài ra, Estrogen cũng đóng vai trò như một chất kích thích sự phát triển của tuyến sữa và nhũ hoa của mẹ nhằm mục đích phục vụ cho quá trình cho con bú.

Progesterone
Đây là hormone rất quan trọng cùng với Estrogen góp phần vào việc tạo ra những yếu tố có lợi cho quá trình biến đổi sinh lý ở mẹ giúp ngăn chặn hiện tượng co thắt quá độ và dẫn đến sảy thai. Cũng chính nhờ loại hormone này mà, quá trình rụng trứng kết thúc, và mẹ sẽ không có kinh nguyệt trong suốt 9 tháng mang thai. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng cực kỳ to lớn khi giúp mẹ điều hòa các nội tiết tố bên trong cơ thể mẹ, co giãn mạch máu giúp các cơ quan như bụng, bàng quang và các ven giãn nở và đàn hồi tốt hơn.

Endorphin
Endorphin – Hormone đóng vai trò quan trọng gảm căng thẳng, stress
Mẹ vẫn thường hay cảm thấy một chút gì đó căng thẳng và mệt mỏi trong quá trình mang thai. Hormone Endorphin này đóng vai trò quan trọng giảm đi rất nhiều các căng thẳng do việc mang bầu gây ra. Chính vì vậy, trong quá trình mang thai, hay ăn thật nhiều hoa quả, và bổ sung đủ các chất dinh dưỡng thể tiết ra Endorphin cần thiết nhằm ức chế các căng thẳng và mệt mỏi do việc mang thai gây ra các mẹ nhé.

4. Cần cẩn thận những gì trong giai đoạn đầu của thai kỳ?
Phần lớn thai kỳ của các bà mẹ sẽ kết thúc tốt đẹp, và sau 9 tháng 10 ngày, bạn sẽ đón con yêu chào đời mẹ tròn con vuông. Tuy nhiên, có trường hợp giai đoạn đầu của thai kỳ, quan trọng nhất là 3 tháng đầu sẽ phức tạp hơn quãng thời gian còn lại.

Vì vậy, ngay khi xác định mình có thai (hoặc bạn nghĩ mình có thai), hay đăng ký khám thai tại bệnh viện hoặc phòng khám một cách nhanh nhất. Có những vấn đề nếu được phát hiệm sớm sẽ dễ dàng được chữa trị, ví dụ như cao huyết áp, thủy đậu, quai bị, ra máu bất thường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sảy thai mà phần lớn thường xảy ra trong giai đoạn khoảng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ.Nhiều mẹ không biết mình mang thai sớm dẫn đến sảy thai nên việc đầu tiên là cần phải phát hiện mình có thai sớm, việc này sẽ gia tăng tỷ lệ sinh con được khỏe mạnh. Nguyên nhân bị sảy thai là rất nhiều, có thể do thai dị dạng hoặc sai lệch về nhiễm sắc thể trong lúc quá trình phân bào, cũng có thể là do tiền sử gia đình và bản thân.

Trong thời gian mang thai ba tháng đầu này, người mẹ phải tránh các hoạt động mạnh, các môn thể thao vận động dùng sức, mạo hiểm như chạy bộ, nhảy dây, leo núi...

Việc tập thể dục là rất tốt cho phụ nữ mang thai nhưng hãy chú ý lựa chọn những bộ môn nhẹ nhàng như yoga, đi bộ... để tăng cường sức khỏe.
Các mẹ bầu cũng cần tránh những loại thức uống có cafein, rượu bia, thuốc lá để thai nhi phát triển mạnh khỏe. Đặc biệt, người mẹ cần phải giữ gìn sức khỏe để tránh các bệnh như cảm lạnh, đau bụng, truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, mẹ nên được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho bà bầu để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.

5. Dinh dưỡng cho mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu
Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu để thai nhi phát triển toàn diện
Ở 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý cung cấp đủ từ 200 – 300 calo mỗi ngày và chỉ cần tăng thêm 1 – 2,5kg là tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Thai nhi lúc này vẫn còn quá nhỏ nên mẹ bầu chưa cần phải tăng nhiều cân. Mẹ luôn băn khoăn cần ăn gì khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ bầu cần lưu ý bổ sung những chất sau:

- Axit folic: Dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não và cột sống em bé. Bạn cần bổ sung khoảng 400mg axit folic trong thực đơn mỗi ngày của mình. Tốt nhất là bổ sung axit folic ngay từ khi có dự định mang thai. Những thực phẩm giàu axít folic có thể kể đến là cam, khoai tây, bông cải xanh, măng tây, trứng, đậu, các loại rau lá xanh…

- Canxi: Là chất không thể thiếu để hỗ trợ cho sự phát triển về xương của mẹ bầu khi mang thai và cả em bé trong bụng. Lượng canxi được cung cấp đủ cho cơ thể sẽ giúp bạn tránh bị loãng xương sau sinh.

- Chất sắt: Bổ sung các loại thực phẩm chứa chất sắt là cách tốt nhất để bạn không bị thiếu máu khi mang thai. Chất sắt cũng góp phần giảm thiểu triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi thường gặp trong thai kỳ.

- Chất đạm (protein): Cung cấp khoảng 20g protein mỗi ngày sẽ đảm bảo bé yêu của bạn phát triển hoàn thiện tế bào não, đồng thời giúp tuyến vú và mô tử cung của bạn phát triển tốt trong suốt thai kỳ.

- Vitamin D: Từ khi còn là phôi thai, bé đã cần phát triển hệ xương, do đó, mẹ bầu cần tăng cường vitamin D từ thực phẩm hoặc ánh nắng mặt trời. Sưởi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày sẽ giúp cơ thể hấp thụ canxi tối ưu. Lưu ý chọn nắng sớm buổi sáng, để ánh nắng chiếu trực tiếp lên cơ thể là tốt nhất.
- Vitamin C: Chất chống oxy hóa hữu hiệu, giúp mẹ bầu tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của cơ và mạch máu cho bào thai.

Trên đây là những điều cần chú ý khi mang thai 3 tháng đầu bao gồm sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ và cả chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu. Điều quan trọng hơn cả là thường xuyên theo dõi, thăm khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có và kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của bé. Chúc sức khỏe các mẹ và thai nhi!
 
- Nguồn tổng hợp -
Chia sẻ bài viết

Tin liên quan

Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng