Chăm sóc sức khỏe

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn ăn quá nhiều ĐƯỜNG?

Ngày đăng:25/05/2023
Nguồn tin: clb100
Cập nhật1586
0
Dù có để ý hay không thì mỗi ngày bạn vẫn hấp thu một lượng lớn chất đường vào trong cơ thể của mình. Đường là một chất tạo ngọt được sử dụng trong hầu hết các loại thực phẩm, đồ uống hiện nay và nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về chức năng cũng như tác hại của nó đến cơ thể con người. Có người xem nó là thứ ngọt nhất trên thế gian nhưng cũng có người xem nó là chất độc đối với mình. Vậy thực hư về đường như thế nào? Nên sử dụng đường ra sao để vừa tốt cho sức khỏe vừa giảm thiểu các tác hại do nó gây ra? Mời các bạn cùng xem giải thích ngay dưới đây.

1. Các loại đường và chức năng của nó:
Có rất nhiều loại đường và những thứ tương tự như đường dùng để thay thế nó trong cuộc sống hiện nay. Nhưng chúng ta sẽ xem xét đến 2 loại đường phổ biến nhất đó là đường Gluco (Glucoza) và đường Fructo (Fructoza).
  • Đường Gluco (Lợi nhiều):
Đây là loại đường có lợi có sức khỏe chúng ta, nó cung cấp năng lượng cho các tế bào trong cơ thể và giúp cơ thể khỏe mạnh. Khi Gluco được chuyển hóa vào trong cơ thể, nó sẽ kích thích các tuyến tụy sản sinh ra chất Insulin, làm cho não bộ nhận biết được bạn đã ăn bao nhiêu thức ăn và do vậy kiểm soát được cơn thèm ăn, hay nói cụ thể hơn là bộ não sẽ cho bạn biết khi nào bạn đã ăn đủ no và nên ngừng việc ăn lại, ăn nhiêu đó là đủ rồi, ăn nữa sẽ béo phì đó.

Tuy có lợi nhưng đường Gluco vẫn có mặt hại, dù với một mức độ rất thấp. Đó là khi cơ thể xử lý chất Gluco từ bên ngoài đưa vào, có một quá trình xử lý nó sẽ diễn ra ở gan. Quá trình này làm sản sinh ra một chất gọi là LipoProtein mật độ thấp (Very low density lipoprotein - VLDL), một loại Cholesterol gây ra bệnh tim mạch. Tuy nhiên, may mắn là lượng chất này sinh ra rất ít, chỉ có 4,2% calorie từ đường Gluco được xử lý bởi gan sẽ chuyển thành chất VLDL nên tác hại của chúng gần như là không có.

Tuy nhiên, chỉ nên dung nạp một lượng vừa đủ glucose mỗi ngày để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và không gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
  • Đường Fructo, bao gồm đường mía và Sirô bắp (Hại nhiều):
Trong đa số các trường hợp, Fructo có hại cho sức khỏe con người. Vì sao? Là do cách mà cơ thể chúng ta xử lý chúng. Đường Fructo chỉ có thể được xử lý bởi gan, điều mà chúng ta đã nói ở trên đó là fructo sẽ sinh ra chất VLDL không tốt cho sức khỏe. Nghĩa là sẽ có một lượng lớn calorie, nhiều hơn gấp 3 lần so với đường Gluco, đi qua gan để xử lý và do đó, chất VLDL sẽ được sinh ra nhiều hơn, làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch và cả chứng béo phì. Nó cũng làm tăng nồng độ Acid Uric trong máu dẫn đến bệnh tăng huyết áp.

Thực phẩm chứa nhiều đường Fructose làm tăng hàm lượng acid uric trong máu
Và trên hết, đường Fructo còn gây ra một tác hại lớn đến não, khiến cho não không thể kiểm soát được lượng thức ăn mà bạn đã ăn vào, nói cách khác là bạn sẽ không có cảm giác no và do đó sẽ ăn liên tục. Để kiểm soát việc hấp thu và giải phóng năng lượng, bộ não cần phải tiếp nhận tín hiệu từ một protein tên là Leptin. Trong khi đó, Fructo lại cắt đứt mối liên lạc giữa não bộ và protein leptin này, làm cho não bộ không biết chúng ta đã ăn được bao nhiêu, đã ăn đủ hay chưa. Vì thế, chúng ta sẽ có cảm giác đói liên tục và quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng bị rối loạn. Ví dụ điển hình cho tác hại này chính là Soda, hay còn gọi là các loại nước có gas (chứa đường Fructo), nó làm cho bạn cảm thấy đói mặc dù đã ăn rất nhiều thức ăn. Chưa kể đến các tác hại khác của đường Fructo nhưng chỉ bấy nhiêu đây thôi cũng đủ dấy nên một rắc rối lớn làm nhiều người phải đau đầu, đó là béo phì.

Tuy nhiên, đường Fructo vẫn còn chút lương tâm chứ không phải hoàn toàn xấu. Nếu bạn là một vận động viên chuyên nghiệp hay chơi các môn thể thao nặng như điền kinh, cử tạ, bóng đá... thì Fructo lại rất có ích trong trường hợp này. HFCS sẽ giúp phục hồi nhanh chóng lượng Glucozen mà cơ thể đã đốt cháy trong lúc vận động. Vì thế mà các đồ uống thể thao thường sử dụng chất HFCS để giúp các vận động viên phục hồi thể lực nhanh hơn. Tuy nhiên, cái lương tâm này của fructo cần phải được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc, không nên lạm dụng quá nhiều.

2. Thức ăn tươi (chưa qua chế biến) và thức ăn đã qua chế biến:
Khi còn học phổ thông, ta hay thấy các thầy cô đưa ra một cái tháp dinh dưỡng hình tam giác, trong đó nói rằng trái cây là một thực phẩm tốt và cần được ăn đủ. Nhưng người ta lại biết trái cây chứa đường Fructo (hại nhiều). Vậy tại sao trái cây lại tốt cho sức khỏe được? Câu trả lời đó là do trái cây tự nhiên chứa nhiều chất xơ. Chính chất xơ này sẽ khắc phục được nhược điểm khiến ta thèm ăn của Fructo. Nếu Fructo làm cho não bộ không kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào cơ thể thì chất xơ trong trái cây sẽ làm điều này giúp nó, giúp não bộ kiểm soát được cơn thèm và vì vậy trả lời cho câu hỏi tại sao trái cây được đóng dấu là tốt cho sức khỏe. Nhưng bạn đừng lầm lẫn với các loại đồ uống nước ép trái cây nhé, chúng không có lợi như trái cây tươi thông thường đâu. Ai cũng biết cái điều mà ai cũng biết này, nhưng không mấy người hiểu được lý do tại sao chúng không tốt bằng.

Đường trong các loại đồ uống có gas là loại đường đã qua chế biến. Người ta lấy chúng từ những cây mía, sau đó đưa vào nhà máy để chế biến lại thành các hạt đường trắng tinh tươm mà chúng ta hay thấy. Chính quá trình chế biến đường từ cây mía này sẽ làm mất đi toàn bộ chất xơ bên trong cây mía. Không có chất xơ, đường Fructo lại phát huy tác hại, não bộ tiếp tục bị mù mờ thông tin về cơn đói, và như thế cơ thể chúng ta lại tiếp ăn uống một cách không ngừng nghỉ. Đó là lý do tại sao đường đã qua chế biến thì không tốt cho sức khỏe.

Đến đây nhiều người sẽ thắc mắc: Tại sao chúng ta không giữ chất xơ lại? Đó là vì chất xơ sẽ làm cho thức ăn mau hư và ôi thiu. Trong khi đó, các loại đồ ăn chế biến sẵn với mục đích là để dự trữ qua thời gian dài hay vận chuyển đi các nơi trên thế giới, để đảm bảo chúng không bị hư, không bị quá đát, người ta buộc lòng phải loại bỏ chất xơ ra.

Một vấn đề nữa đến từ các loại thức ăn chế biến sẵn được dán mác ít chất béo. Ít chất béo, nghe có vẻ tốt đó. Nhưng ăn chất béo không có nghĩa là cơ thể bạn giữ lại chất béo đó. Cơ thể con người có một quá trình xử lý và đào thải chất béo hiệu quả nên việc ăn nhiều hay ít chất béo không phải là một vấn đề lớn. Thế mà trong suốt 40 năm qua, chúng ta đã gần như phát cuồng về các loại thức ăn ít béo và nhiều người còn rất ưa chuộng chúng. Có cầu ắt có cung, các hãng sản xuất thực phẩm cũng nhanh tay đưa các thức ăn ít béo vào quá trình xử lý đóng hộp của mình.

Tuy nhiên, do quá trình xử lý làm cho chúng (đồ ăn ít béo) có mùi vị rất kinh khủng nên họ đã thêm vào đó đường, và đôi khi có cả muối, để làm cho chúng trông tuyệt hơn. Như vậy, thay vì hấp thu những chất béo sử dụng được từ thực phẩm tươi, người ta lại ưa dùng đồ ăn ít béo được chế biến sẵn hơn, trong khi cơ thể chúng ta lại không sử dụng được các chất béo đó (chứa Fructo).
Hầu hết thực phẩm đóng hộp chứa hàm lượng đường fructose rất cao
Như vậy, để cơ thể khỏe mạnh, hãy tránh xa các loại đồ ăn chế biến sẵn. Mặc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng nhưng tác hại do nó gây ra là rất hiển nhiên. Hãy xem kỹ thành phần đường có trong loại thức ăn mà bạn định mua trên hộp hay phía sau bao bì sản phẩm.

3. Những tác hại của việc ăn quá nhiều đường
Ăn quá nhiều đường có thể làm tăng các tế bào ung thư:
Trong nghiên cứu kéo dài 9 năm gần đây được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu đã quan sát kỹ lưỡng các tế bào nấm men trong phòng thí nghiệm, chúng hoạt động giống như tế bào ung thư. Vào cuối nghiên cứu, họ kết luận rằng quá trình lên men tế bào nấm men dẫn đến sự nhân lên và mở rộng của chúng.

Nghiên cứu đã giúp kết luận rằng các tế bào ung thư có trong cơ thể lấy năng lượng từ đường lên men, được gọi là hiệu ứng Warburg. Quá trình này hoàn toàn không giống sự phát triển của các tế bào không phải ung thư, chúng sử dụng ô xy để chuyển hóa glucose thành năng lượng cho cơ thể.
Các nhà nghiên cứu Bỉ tiết lộ rằng đường mà chúng ta tiêu thụ sẽ đánh thức các tế bào ung thư hiện có trong cơ thể và gây ra sự phát triển nhanh chóng của khối u, theo Times of India.

Quá nhiều đường có thể rút ngắn tuổi thọ:
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Mỹ cho thấy uống 500 ml nước ngọt mỗi ngày sẽ dẫn đến lão hóa tế bào tương đương 4 năm rưỡi, bằng với hút thuốc lá và sự lão hóa tế bào này trước hết dẫn đến rút ngắn tuổi thọ, theo The Healthy.

Đường có thể làm tăng vọt mức insulin:
Một trong những tác dụng tức thời của đường đối với cơ thể là giải phóng nhiều insulin, điều chỉnh lượng đường trong máu. Phó giáo sư Vasanti Malik, chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Harvard (Mỹ), cho biết các loại đường trong nước ngọt được hấp thụ rất nhanh, dẫn đến sự tăng vọt đường huyết và insulin. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin - khi đó cơ thể cần ngày càng nhiều insulin mới có hiệu quả, và ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất. Đường tự nhiên, như trong trái cây, không tác hại bằng đường trong nước ngọt vì được kết hợp với chất xơ, giúp hấp thụ chậm, theo The Healthy.

Ăn nhiều đường dễ bị bệnh loãng xương:
Các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của muối ăn và đường trắng đối với sự phát triển của bệnh loãng xương. Muối hoặc Natri từ lâu bị kết tội là thủ phạm gây ra bệnh loãng xương, nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy điều bất ngờ.

Trong bài đánh giá được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa bang Missouri (Mỹ), các tác giả đã tiết lộ rằng đường mới chính là thủ phạm thực sự. Họ báo cáo rằng việc viêm nhiễm do đường gây ra, làm tăng lượng acid đến thận và tăng mức độ insulin.

Đồng thời, nó làm giảm lượng canxi hấp thu và tăng bài tiết canxi. Từ những phát hiện này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng tiêu thụ quá nhiều đường dẫn đến việc giải phóng canxi và magiê từ xương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, theo Natural News. Ngoài ra, đường làm gián đoạn quá trình hấp thụ và vận chuyển canxi, chuyển đổi và hấp thu vitamin D để tạo xương, cũng như kích hoạt một loại enzyme cụ thể cần thiết cho sự hình thành xương mới.

Hơn nữa, đường làm tăng sản xuất acid lactic trong mô xương và làm gián đoạn hoạt động của các nguyên bào xương, là những tế bào chuyên biệt tạo xương.

Đường cũng làm tăng sản xuất cortisol, hoóc môn căng thẳng. Nồng độ cortisol cao có thể kích hoạt bệnh loãng xương.

Đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường:
Một người, nếu có lượng đường trong máu cao, có thể đã đang trên đường tiến triển đến bệnh tiểu đường loại 2, tiến sĩ Ed Saltzman (Đại học Tufts, Mỹ), cho biết, Việc kháng insulin đòi hỏi tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Theo thời gian, tuyến tụy có thể trở nên quá tải do việc sản xuất insulin quá mức này và không còn khả năng tiết đủ insulin. Khi đó, sẽ phát bệnh tiểu đường loại 2, theo The Healthy.

Gan bị quá tải, dẫn đến bệnh gan:
Gan xử lý đường giống như cách xử lý rượu (cả hai đang dần giết chết bạn). Phó giáo sư Malik cho biết fructose trong đường tinh luyện chỉ có thể được chuyển hóa ở gan. Do đó, tiêu thụ nhiều đường sẽ khiến cho gan bị quá tải và cuối cùng có thể dẫn đến việc tạo ra nhiều mỡ trong gan, gây ra bệnh gan.

Đường có thể làm tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim:
Tiến sĩ Saltzman cho biết, lượng đường cao dẫn đến sự gia tăng một loại mỡ máu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đường cũng có thể làm giảm mức cholesterol tốt có tác dụng bảo vệ chống lại các vấn đề về tim.

Đường gây tăng cân:
Cơ thể chỉ cần một ít đường để lấy năng lượng, nhưng phần đường còn lại sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo. Từ đó, đường làm tăng cân và tích tụ mỡ bụng, theo The Healthy.

Thách thức hiện nay đó là đường có mặt ở khắp mọi nơi, trong mọi loại thực phẩm. Nhưng chỉ cần biết cách kiểm soát chúng, có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học thì có thể yên tâm sống khỏe mạnh rồi!
 
- Nguồn tổng hợp-
Chia sẻ bài viết

Tin liên quan

Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng